2007/12/06

Chia sẻ dữ liệu - WebGIS (P1)


Đặt vấn đề

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên thông tin (information era). Thông tin luôn luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống của xã hội loài người. Thực tế đã chỉ rõ rằng thông tin đóng góp rất lớn trong suốt quá trình phát triển của nhân lọai. Có thể nói rằng, công cụ lao động là đặc trưng cho từng loại hình xã hội loài người thì khả năng chia sẻ thông tin trong từng giai đọan phát triển của xã hội cũng là một đặc trưng khác. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật chúng ta có thể tiếp cận thông tin từ khắp mọi nơi trên thế giới bằng nhiều phương tiện khác nhau, thông tin là điều không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày đối với chúng ta cho dù cách thức khai thác và nội dung thông tin của từng người khác nhau.

Một điều chắc chắn rằng, thông tin không thể đến với cộng đồng nếu như chúng ta không hướng đến việc chia sẻ thông tin. Thế nhưng chia sẻ, công khai thông tin lại thuộc về nhận thức trong mỗi chúng ta, trong mỗi một thể chế chính trị xã hội ở từng giai đọan phát triển. Nhận thức cần phải được thay đổi để phù hợp với sự phát triển của xã hội và một điều chắc chắn nó sẽ phải thay đổi theo quy luật tự nhiên. Ngẫm lại lịch sử, có những vấn đề mà cách đây chục năm về trước chúng ta coi là bí mật thì ngày nay cần phải được coi không là bí mật nữa, nếu làm ngược lại, chúng ta chỉ tự trói buộc mình, cản trở bước tiến của kinh tế - xã hội. Ngày nay, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, tài nguyên, môi trường, …chúng ta lại cần nhiều thông tin hơn bao giờ hết. Chúng ta đang chuyển mình từ các quyết định có tính độc lập (stand-alone decision) sang các quyết định, họach định trên cở sở tích hợp nhiều nguồn thông tin tin cậy, có ý nghĩa và có tính thời sự nhất (integrated decision). :

Đối với người dân, công khai thông tin cũng là một cách rất hữu hiệu để thực hiện quyền làm chủ và giám sát của người dân. Có lẽ, trong các đối tượng hưởng lợi từ việc công khai và chia sẽ thông tin thì người dân chính là người được hưởng nhiều nhất và có ý nghĩa nhất. Đây cũng là mục tiêu của các quốc gia hướng đến xây dựng một chính phủ mở (open government), một chính phủ trong suốt (transparent government). Quyền được biết của người dân đang sống trong một môi trường như thế nào, tương lai ra sao và các chính sách nào đang tác động lên họ là một quyền chính đáng. Thực hiện được quyền đó, cũng chính là thực hiện một chính quyền do dân, vì dân. Thực tế hiện nay,có rất nhiều hiện tượng tiêu cực đã tác động xấu đến kinh tế - xã hội như :các vụ khiếu kiện, khiếu nại, lừa đảo buôn bán đất đai, ô nhiễm môi trường,…. Một trong những nguyên nhân gây ra hậu quả đó chính là việc bưng bít thông tin hoặc không công khai cụ thể, chia sẻ thông tin để cộng đồng có thể tiếp cận một cách dễ dàng nhất. Như vậy, việc chia sẻ và công khai thông tin là cần thiết trong mọi lĩnh vực quản lý Nhà nước và là nhu cầu tất yếu của xã hội mà chúng ta cần phải đáp ứng. Trong đề tài này, chúng ta chỉ đề cập đến vấn đề áp dụng việc chia sẻ, công khai thông tin trong việc giám sát tài nguyên môi trường đất trên cơ sở tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau.

Khi nói đến giám sát (monitoring) chúng ta thường nghĩ ngay đến những công nghệ hiện đại hiện đang được sử dụng trên thế giới như GIS, RS, Sensor,…những công nghệ này ngày nay không thể thiếu đối với công tác quản lý, nghiên cứu và giám sát tài nguyên môi trường. Tuy nhiên, đối với ngành tài nguyên và môi trường rất cần nhiều nguồn dữ liệu từ các tổ chức khác nhau mà việc tích hợp các nguồn dữ liệu GIS, RS, Sensor,… lại gặp rất nhiều khó khăn và thách thức trong bối cảnh công nghệ hiện nay. Nguyên nhân xuất phát từ các yếu tố khách quan đồng thời cũng từ những yếu tố chủ quan. Có thể kể ra một số thách thức như sau:

· Sự đa dạng về công nghệ GIS giữa các phân hệ.

· Sự đa dạng về mô hình dữ liệu giữa các phân hệ.

· Đảm bảo tính trung thực, tự trị của nguồn dữ liệu.

· Tính đáp ứng thời gian thực của hệ thống.

· Sự đa dạng của tính chất dữ liệu .

· Phương thức trao đổi, chia sẻ và công khai dữ liệu còn hạn chế và chưa dễ dàng sử dụng.

Chia sẻ và công khai thông tin tài nguyên môi trường đất được coi là một công cụ đưa thông tin đến cộng đồng bao gồm các tổ chức quản lý, các viện nghiên cứu, người dân,…Một đối tượng địa lý, một vùng lãnh thổ được nhiều người theo dõi hiển nhiên sẽ được giám sát tốt hơn trên quan điểm “một hình ảnh, nhiều ý nghĩa”. Qua đó một vấn đề sẽ được nhìn nhận trên nhiều khía cạnh bởi nhiều nguồn lực khác nhau trước khi đưa ra quyết định. Đặc biệt, người dân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giám sát tài nguyên môi trường đất. Từ lâu chúng ta chỉ chú tâm nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng thực tế vai trò của người dân, những người bị tác động bới chính những chính sách của Nhà nước, những người đang sống và lớn lên trên chính tài nguyên đó, gắn bó với những giá trị nhân văn của gia đình, làng mạc, rất quan trọng trong việc giám sát sử dụng tài nguyên đất. Những tiếng nói phản ánh của người dân, cộng đồng giúp các nhà quản lý đưa ra các quyết định đúng đắn và hợp lý hơn, đồng thời là động lực để các cơ quan quản lý Nhà nước họat động hiệu quả hơn, giảm thiểu những tranh chấp khiếu kiện và các cơ quan Nhà nước phải tự giác đổi mới, điều chỉnh lại họat động của chính mình. Với sự giám sát trên cơ sở thông tin tài nguyên đất được công khai sẽ góp phần giảm tệ nạn tham nhũng, đầu cơ. Người sử dụng sẽ tiếp cận được thông tin một cách minh bạch và rõ ràng. Thế nhưng cơ sở nào để người dân giám sát và họ cần biết họ sẽ giám sát cái gì? Công khai dữ liệu, thông tin đất đai là một trong những điều kiện tiên quyết để thực thi vai trò giám sát của người dân.

Đối với các nhà khoa học trái đất, chia sẻ và công khai thông tin sẽ giúp nâng tầm nghiên cứu lên một nấc thang mới. Các nhà khoa học thay vì bỏ rất nhiều công sức để tạo dựng dữ liệu, thu thập dữ liệu, …họ sẽ có nhiều thời gian hơn tập trung vào phát triển các ứng dụng, tạo dựng các dữ liệu chuyên ngành và có nhiều phản biện hơn dựa vào các dữ liệu, thông tin có khả năng truy cập và được chia sẻ với nhau mà không làm mất đi quan điểm (ontology) của mình.

Chia sẻ và công khai thông tin cần được coi là công cụ quan trọng để chúng ta giám sát tài nguyên môi trường đất. Công khai thông tin sẽ có những tác động tích cực đến công tác quản lý và giám sát tài nguyên môi trường đất nói riêng và các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nói chung. Chính vì vậy đề tài này sẽ (góp một phần )làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến việc chia sẻ và công khai thông tin nhằm đưa ra giải pháp hữu ích để giám sát tài nguyên môi trường đất.

Một trong những giải pháp được giới thiệu trong đề tài này là ứng dụng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong công nghệ WebGIS (Công nghệ GIS dựa vào nền tảng Web). Với tốc độ phát triển của kỹ thuật truyền thông và Iinternet ngày càng mạnh mẽ, với tốc độ ngày càng cao thì công nghệ Web ngày càng chiếm ưu thế. Tầm nhìn của công nghệ Web có thể tóm tắt như sau: công nghệ Web là cơ sở hạ tầng giúp người sử dụng có thể truy cập ở bất cứ nơi đâu, dùng bất cứ thiết bị ứng dụng nào hỗ trợ Web, vào bất cứ thời gian nào, tiếp xúc với bất cứ dữ liệu nào được chia sẻ trên mạng và dễ dàng sử dụng.

1 nhận xét:

  1. Em thấy rồi nhé, hổm rài em tham khảo bài của thầy mà em hong biết, hôm nay em mới thấy tên thầy. cái hình trang web của thầy giống "chiến sĩ Irac" quá gây ấn tượng ghê luôn!
    hihi....
    em cũng có làm cái Blog (sinh viên của thầy đó thầy thanhtuangis)
    http://gislive.blogspot.com/

    Trả lờiXóa