2007/12/19

Chia sẻ dữ liệu - WebGIS (P2)

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VÀ ĐÁNH GIÁ (Tóm tắt).

Vấn đề chia sẻ và công khai thông tin đã được nhắc nhiều bởi các quan chức Chính phủ và các nhà khoa học. Tuy nhiên việc phân tích đầy đủ các yếu tố tác động đến công khai và chia sẻ thông tin chưa được tiến hành đầy đủ. Mặt khác hành lang pháp lý chưa đủ mạnh để thay đổi nhận thức vể trao đổi dữ liệu và thông tin giữa các cơ quan với cơ quan, giữa các cơ quan Nhà nước và cộng đồng. Chính vì thế, hành động công khai và chia sẻ thông tin còn mang tính tự phát và ngẫu hứng. Các bài báo chưa đủ để phân tích nguồn lợi mà các tổ chức tham gia chia sẻ và công khai thông tin có thể thu được. Cũng chính vì thiếu vắng: “công khai và chia sẻ thông tin” nên trong luận văn này chính bản thân tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập tài liệu, đề tài liên quan.

Về công nghệ WebGIS mà luận văn có đề cập tới : Theo khảo sát các webgis tại Việt Nam, đa số các website đều sử dụng các kiến trúc 3-tier, một số website sử dụng kiểu Mashup với công nghệ của Google nhưng không mang tính chính thống về dữ liệu. Mặc dù các hãng GIS nổi tiếng trên thế giới như ESRI, Intergraph, MapInfo đã vào Việt Nam nhưng số lượng WebGIS trên Internet có được lại rất ít, không đáng kể so với quy mô được đầu tư. Hiện nay, công nghệ WebGIS vẫ còn ở dạng tiềm năng chưa phát triển ở Việt Nam. Một số địa phương đã sử dụng công nghệ này để công khai các thông tin về hồ sơ địa chính, nhưng vẫn còn trong giai đọan thử nghiệm .Nhóm nghiên cứu đưa ra 3 ví dụ minh họa cho hiện trạng WebGIS hiện nay ở Việt Nam.

Điển hình là tỉnh Bắc Ninh đã công bố WebGIS bản đồ địa chính, người dân có thể biết thông tin cơ bản của từng thửa đất, trang Web này tác động rất lớn đến người dân trong tỉnh khi mới khai trương (http://sotnmt.bacninh.gov.vn). Hiện nay (năm 2007), trang Web này đang được bảo trì và không biết khi nào sẽ vận hành lại.

Chính phủ Việt Nam cũng có trang WebGis tại địa chỉ: http://gis.chinhphu.gov.vn . Tuy nhiên trang web này rất sơ xài và không được cập nhật và thông tin còn hạn chế, nghèo nàn (xem hình I.1).

Trung tâm Thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tiến hành thử nghiệm WebGIS dựa trên chuẩn mở quốc tế OpenGIS WMS trong khuôn khổ dự án Cơ sở dữ liệu tích hợp Tài nguyên và Môi trường. Với việc cung cấp dịch vụ WMS theo chuẩn mở OpenGIS (OGC), người sử dụng có thể sử dụng các phần mềm thông dụng như MapInfo 7.5, ArcMap 9.2,…để truy cập và khai thác dữ liệu. Việc sử dụng các chuẩn mở OpenGIS (OGC) là một bước tiến trong việc chia sẻ và công khai thông tin theo hướng hiện đại, tuy nhiên hệ thống Cơ sở dữ liệu tích hợp Tài nguyên và Môi trường vẫn đang ở trong giai đọan thi công và chưa thể hiện hết khả năng chia sẻ và công khai thông tin cho cộng đồng.

Ngoài các Website trên, Trung tâm ứng dụng GIS Thành phố Hồ Chí Minh với chức năng và nhiệm vụ của mình đang tiến hành nghiên cứu các đề tài và xây dựng các dự án nhằm mục tiêu giúp người sử dụng dễ dàng tìm kiếm, khai phá và sử dụng các nguồn dữ liệu GIS trên địa bàn Thành phố. Xin giới thiệu vắn tắt như sau :

  • Đề tài “Nghiên cứu và xây dựng mô hình tích hợp dữ liệu GIS cho HCM GIS” – do Bùi Hồng Sơn chủ trì- đã được nghiệm thu. Mục tiêu của đề tài là Nghiên cứu, tìm kiếm một giải pháp hiệu quả để thực hiện chức năng tích hợp dữ liệu cho HCMGIS ; hiện thực giải pháp đó trên nền tảng mô hình đã được chọn lựa; đánh giá, đề xuất, chỉ dẫn các bước để hiện thực giải pháp tích hợp cho một chuyên đề dữ liệu. Ý nghĩa lớn nhất của đề tài là đưa ra mô hình có khả năng tích hợp các dữ liệu GIS từ các hệ thống GIS từ xa (remote GIS Server) theo chuẩn mở OpenGIS bất chấp công nghệ phía dưới là gì.
  • Đề tài “ Nghiên cứu và xây dựng WebGIS phục vụ quản lý địa giới hành chính cho Sở Nội Vụ” do kỹ sư Nguyễn Hữu Chính chủ trì – hiện đang hoàn tất giai đọan 2 của đề tài. Mục tiêu của đề tài hỗ trợ quản lý địa giới hành chính và quảng bá Thành phố Hồ Chí Minh đến với cộng đồng trong và ngoài nước thông qua công nghệ WebGIS. Mặc dù chưa hoàn tất nhưng chúng ta có thể tham khảo tại http://www2.hcm.ciren.gov.vn/jvnwebgis . WebGIS này đã được tạp chí Open GeoSpatial Consortium (OGC) bình chọn là website trong tháng 11/2006, xem nội dung chi tiết tại địa chỉ sauđây http://www.opengeospatial.org/pressroom/newsletters/200611/#C4
Chia sẻ và công khai thông tin đã được nhiều quốc gia phát triển trên thế giới sử dụng như một công cụ để giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và áp dụng vào các mục đích khác. Hầu hết các quốc gia đều hướng đến xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian ( Spatail Data Infrastructure – SDI) theo kiến trúc hướng đến dịch vụ (Service Oriented Architecture - SOA) sử dụng các chuẩn mở quốc tế như Open GIS hoặc ISO/TC 211. Tư tưởng của SDI là coi việc xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian như cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực khác : bưu điện, điện thọai, đường giao thông,…khi đó ai có nhu cầu thì kết nối tham gia vào cơ sở hạ tầng để sử dụng và đóng góp các dữ liệu, thông tin về GIS. SDI là một dự án lớn có nền tảng lý luận và cơ sở thực tiễn cao, được phát triển theo cách thức: “Phát triển trước, xây dựng đặc tả sau”. Có nghĩa là: để giải quyết 1 vấn đề, các tổ chức nghiên cứu hướng tới nhiều giải pháp, sau nhiều năm thử nghiệm sẽ đúc kết thành đặc tả (hay chuẩn mở) công bố cho cộng đồng. Đối với Việt Nam và các nước đang phát triển thì thời điểm hiện nay là cơ hội lớn để chúng ta tiếp cận những tinh hoa từ các tổ chức này để xây dựng những hệ thống GIS tương tự (đa mục tiêu, đa thành viên).

Nhận thức được tầm quan trọng của việc chia sẻ và công khai thông tin để giải quyết các vấn đề toàn cầu như sự dâng lên của mực nước biển, hiện tượng trái đất nóng lên, dịch bệnh, cúm gà (bird flu), cạn kiệt tài nguyên nước, các thảm họa thiên nhiên và các thảm họa môi trường, xung đột do chính con người gây ra…Liên hiệp quốc kêu gọi các nước cùng hợp tác và chia sẻ dữ liệu không gian. Một trong những hiệp hội đã được xây dựng dưới lời kêu gọi này là Hiệp hội Cơ sở dữ liệu không gian toàn cầu – Global Spatial Data Infrastructure Association (http://www.gsdi.org) nhằm nghiên cứu, phát triển các giải pháp xây dựng SDI và quảng bá, hỗ trợ các quốc gia xây dựng SDI.

Trên cơ sở đó, các quốc gia đã tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian cho mình với các tầm nhìn đều hướng đến một nền tảng để đưa dữ liệu GIS đến tay người sử dụng một cách đơn giản, dễ dàng và minh bạch. Một số tầm nhìn SDI (SDI Vision) của các quốc gia như sau :

“The NSDI vision, as represented in a recent FGDC strategy document, is that current and accurate data will be readily available to contribute locally, nationally, and globally to economic growth, environmental quality and stability and social progress”-FGDC – US.

“National infrastructure for the availability of and access to organised spatial data. Use of the infrastructure at community, local, state, regional and national levels for sustained economic growth.” –NSDI of India.

“Australia’s spatially referenced data, products and services are available and accessible to all users.” - Australia SDI.

“To allow geospatial data users in our country on-line access to quality and up-to-ate geospatial information they need for their geo-related decision support processes, projects and applications” – Turky SDI.

“The vision of SLIP is to enable Data Consumers (users) to discover, view and obtain land information.” - Western Australia .

Sau đây, tôi xin đơn cử dự án INSPIRE – Infrastructure for Spatial Information in Europe (http://inspire.jrc.it/) (hay ESDI - European Spatial Data Infrastructure) của Cộng đồng Châu Âu trong số các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian trên thế giới.

INSPIRE bắt đầu từ một khởi động của châu Âu nhằm hướng đến xây dựng một CSDL không gian địa lý có tính sẵn sàng cao và có ích cho sự phát triển bền vững (phát triển mà không để lại ảnh hưởng xấu về tài nguyên, môi trường đến thế hệ tương lai) và tăng cường bảo vệ môi trường. Bản thân INSPIRE cũng là thế hệ kết tiếp một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chia sẻ và tích hợp dữ liệu không gian nhằm giám sát tài nguyên - môi trường trên toàn Châu Âu (INSPIRE – nguyên thủy là Insfrastructure for Spatial Information of Resources and Environment). INSPIRE được thực hiện thông qua Liên minh châu Âu (European Union) trong vài năm gần đây, qua đó nhiều loại thông tin địa lý dần dần đã được hiệu chỉnh và tích hợp, mở đường để xây dựng thành công hạ tầng Dữ liệu không gian châu Âu (ESDI). Một trong những thành phần chủ chốt của dự án INSPIRE là thành phần chuẩn mở quốc tế như OGC đã nói :

“ESDI chỉ có thể cống hiến cho người sử dụng các dịch vụ thông tin không gian được tích hợp nếu các chuẩn được tham khảo trong kiến trúc OGC Portal được áp dụng trong INSPIRE” (theo OGC).

Theo định nghĩa của Liên minh châu Âu thì INSPIRE được khởi tạo với ý định tạo ra một hạ tầng thông tin không gian châu Âu nhằm đưa đến tay người sử dụng các dịch vụ thông tin không gian đã được tích hợp . Các dịch vụ đó cho phép người sử dụng xác định và truy cập thông tin không gian địa lý từ các nguồn khác nhau, từ cục bộ địa phương cho đến toàn cầu trong phương thức đồng vận hành cho các mục đích sử dụng khác nhau.

INSPIRE đã đề xuất mô hình kiến trúc tổng quát (xem hình I.2) cho các thành viên tham khảo , trong mô hình này có 4 thành phần quan trọng, đó là :

1. User applications : bao gồm các Web clients, desktop client được xây dựng với nhiều mục đích khác nhau và trên các platforms khác nhau.

2. Geoprocessing and Catalogue Services : bao gồm các dịch vụ xử lý không gian và các dịch vụ chỉ dẫn người sử dụng tìm kiếm, định vị và hiểu biết thông tin mình cần khai thác.

3. Catalogue: kho dữ liệu về các thông tin mô tả dịch vụ và dữ liệu .

4. Distributed Content Repositories : các kho dữ liệu phân tán ở khắp châu Âu.


Các chuẩn chính được sử dụng trong INSPIRE bao gồm :

1. Các chuẩn của tổ chức chuẩn hóa thế giới (the International Standardisation Organisation –ISO) như : ISO/211: tập hợp các chuẩn cho thông tin địa lý; ISO 191xx : tập hợp các chuẩn là nền tảng hiện thực các công nghệ như CORBA, COM/OLE, SQL, XML.

2. Các chuẩn của World Wide Web Consortium (W3C) : có nhiều chuẩn của tổ chức này đã được ISO chứng thực như: XML, tuy nhiên INSPIRE là một kiến trúc SOA do đó chuẩn cần quan tâm nhiều nhất là Web Services Architecture Requirements. Ngoài ra còn có các chuẩn rất quen thuộc với chúng ta như: Http, Javascript,…

3. Các chuẩn và đặc tả của OGC như : WMS, WFS, WCS, GML,…

Với đặc thù của INSPIRE là một GEOPORTAL nên các chuẩn ISO/211OGC được đánh giá là 2 chuẩn chính của hệ thống .

Trên nền tảng kiến trúc đó, INSPIRE đã xây dựng INSPIRE European GeoPortal (http://eu-geoportal.jrc.it). INSPIRE EU GeoPortal được thiết lập trên các chuẩn và đặc tả của châu Âu, quốc tế và các chuẩn công nghiệp khác (ISO,CEN, OGC, W3C). INSPIRE EU GeoPortal sẽ liên kết với các geoportal của các quốc gia khác để khai thác các dữ liệu và dịch vụ cụ thể. Các kết nối đến dịch vụ trong các quốc gia, các tổ chức chính phủ,…đều dựa trên các chuẩn và đặc tả trên. INSPIRE EU GeoPortal không chứa hoặc duy trì bất cứ dữ liệu nào. Các dữ liệu đó được phân tán trong các Server chuyên đề hoặc của các quốc gia châu Âu. Mỗi một Server đều được bảo trì bởi các tổ chức có trách nhiệm với dữ liệu mà Server đó đang lưu trữ và phục vụ.

Ngoài ra, ta có thể xem thêm các dự án khác tương tự như: Geo-One-Stop của Mỹ và Shared Land Information Platform (SLIP) của bang Tây Úc .

Đánh giá :

Vấn đề chia sẻ và công khai thông tin đã có trong nhận thức của lãnh đạo và nhân dân. Tuy nhiên vẫn chưa có một nghiên cứu chuyên sâu nào nhìn nhận vấn đề này một cách khoa học về tổ chức cũng như về kỹ thuật để tạo nền tảng xây dựng một môi trường chia sẻ và công khai thông tin một cách hiệu quả và bền vững. Một số tổ chức công khai thông tin chỉ mang tính chất đối phó dư luận chứ chưa thấy được lợi ích lâu dài và bền vững. Đặc biệt chia sẻ và công khai thông tin trên cơ sở tích hợp giữa các tổ chức khác nhau để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng vẫn còn bị bỏ ngỏ. Chính vì thế hiêu quả của việc công khai thông tin chưa đem lại hiệu quả cao như mong muốn, như: vẫn còn tính trạng dư thừa dữ liệu, không được cập nhật thường xuyên, khả năng truy cập, tìm kiếm và khai phá còn hạn chế,…Các giải pháp trong nước đưa ra vẫn chưa vượt qua được các thách thức đã nêu trên (I.1) .

Qua khảo sát các bài báo nghiên cứu khoa học, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian của các nước tiên tiến (Mỹ, EU và Úc) có thể thấy rõ một số quan điểm sau về chia sẻ, công khai thông tin địa lý :

· Chia sẻ, công khai thông tin cần phải dựa trên trên cơ sở các thành viên phải nhìn nhận được quyền lợi khi tham gia.

· Chia sẻ, công khai thông tin dựa trên cơ sở thỏa thuận và cam kết về việc cung cấp dữ liệu và dịch vụ; và giải quyết các mâu thuẫn.

· Chia sẻ , công khai thông tin cần bảo đảm tính tự trị và độc lập đối với dữ liệu của các bên tham gia.

· Người sử dụng có thể tìm kiếm, truy cập, khai thác dữ liệu qua cơ sở hạ tầng mà không cần biết công nghệ phía dưới là gì (background technology) hay nói cách khác là “trong suốt về công nghệ”.

· Mọi dữ liệu hay dịch vụ đều được mô tả một cách công khai, minh bạch và có khả năng tái sử dụng cho các ứng dụng khác nhưng không mất đi tính chất nguyên thủy của nó, không mất đi tính bản thể (quan điểm, ontology) của người (tổ chức) tạo ra nó.

Các Website GIS tại Việt Nam và trên thế giới cho dù sử dụng cộng nghệ gì, sử dụng các bản quyền mã đóng hay mã mở đều đi theo 2 xu hướng chính. Mà việc chọn lựa xu hướng nào lại phụ thuộc chủ yếu vào ý chí chủ quan của con người chứ không phải là bản thân công nghệ. Hai xu hướng đó tạm gọi là :

· Xu hướng đồng vận hành (interoperability)

· Xu hướng không đồng vận hành.

Xu hướng không đồng hành :

Ví dụ : Ở Việt Nam, rất nhiều đơn vị, tổ chức và địa phương được trang bị các gói phần mềm đắt tiền như ArcGIS hay Geomedia. Các phần mềm này đều hỗ trợ cả hai xu hướng trên. Nhưng trong thực tế hầu hết các Web GIS tại Việt nam đều theo xu hướng không đồng vận hành. Điều đó có nghĩa : tất cả các WebGIS đều mang tính cục bộ và theo các chuẩn của từng hãng riêng lẻ, tính chia sẻ thông tin không cao và hạn chế. Trên thế giới, ngay vào năm 1996, các tổ chức và các công ty đã bắt đầu cung cấp các dịch vụ bản đồ trực tuyến (Card Reed,2003, Geosolution 2003). Những ứng dụng độc lập bản đồ trực tuyến trên Web đã được thực hiện với việc sử dụng các hệ thống và kho dữ liệu độc quyền, có nghĩa là thuộc quyền hạn của một tổ chức cụ thể nào đó. Hiển nhiên dẫn đến kết quả của t sự phát triển ồ ạt “các loại ổ cắm” xung đột nhau, có nghĩa là các dịch vụ bản đồ trực tuyến từ các nhà cung cấp khác nhau không thể giao tiếp và đồng vận hành với nhau trong hầu hết trường hợp, như đã nói ở trên do sự đa dạng về công nghệ. Vì lý do đó, có rất ít khả năng cho một người sử dụng lấy một bản đồ từ một Website và một bản đồ đường phố từ một Website khác rồi chồng khít chúng trong một bản đồ duy nhất. Hơn nữa, hầu hết các ứng dung bản đồ trên Web bị buộc chặt, không thể tách rời với một cơ chế thực thi của máy chủ cụ thể. Nói một cách khác, các Web client được viết rất khó để tương tác với các server độc quyền khắp mọi nơi . Cơ hội xây dựng các Web GIS có khả năng truy cập rộng rãi, không thể thực hiện được nếu mỗi server có một cơ chế hiện thực độc quyền khác nhau với các đặc tả giao tiếp được công bố không có tính mở. Một Website GIS cho dù rất thành công khi hiện thực một ứng dụng cụ thể cho người sử dụng cũng khó cạnh tranh trong tương lai nếu như không áp dụng chuẩn mở trong một thế giới “kinh tế kết nối” (connected economy – ICT submit 2003).

Hình I.3: Không đồng vận hành

Không đồng vận hành, người sử dụng không thể xem 3 bản đồ từ 3 hệ thống khác nhau trên một ứng dụng duy nhất.

Xu hướng đồng vận hành .

Đồng vận hành (interoperability) có nghĩa các hệ thống có thể “nói chuyện” được với nhau. Nguyên tắc cơ bản để thực hiện đồng vận hành là các hệ thống cần phải sử dụng các chuẩn mở (các hệ thống đó được gọi là hệ thống mở - open system) giống như các web browser vậy.

Để định hướng giải quyết vấn đề đồng vận hành giữa các Web clients và các servers, OGC đã phát triển một hướng tiếp cận đưa bản đồ trên Web không có độc quyền dựa trên các giao tiếp, mã hóa, vá các lược đồ chuẩn. Chương trình Đồng vận hành (The Interoperability Program) và Chương trình Đặc tả OGC (The OGC Specification Program) mang đến một tiến trình đồng lòng cao của nền công nghiệp GIS để hoạch định, phát triển, củng cố và tuân thủ chính thức các đặc tả của OGC mà nó cho phép các ứng dụng, dữ liệu và dịch vụ xử lý địa lý có khả năng đồng vận hành với nhau. Đồng vận hành, theo bối cảnh của một chương trình cụ thể, là các thành phần softwares cùng làm việc với nhau , hoạt động tương hỗ với nhau để khắc phục các tác nghiệp chuyển đổi tốn thời gian, trở ngại import/export, và các rào cản truy cập dữ liệu được phân tán được áp đặt bởi các môi trường xử lý không thuần nhất (heterogeneous) và các dữ liệu không thuần nhất. Đồng vận hành, với khía cạnh xử lý thông tin địa lý, muốn ám chỉ tới khả năng của các hệ thống số để trao đổi tự do tất cả các kiểu thông tin không gian và cùng hợp tác qua mạng thao tác các thông tin đó.

Với việc đồng vận hành các hệ thống thông tin địa lý trên Web dựa trên các chuẩn OGC, mỗi một server thực thi một giáo tiếp chung (ví dụ như WMS specification) để nhận các request và trả về các response. Bây giờ, chỉ với một client có truy cập Web đến với tất cả các servers bản đồ và các nguồn dữ liệu khác nhau, trong đó mỗi một server bản đồ được truy cập bởi cùng một client thông qua các giao tiếp chung. Hướng tiếp cận này cho phép người sử dụng chỉ cần chạy một Web client cũng có thể khai thác tất cả các khả năng của từng server.

Hình 1.4: Đồng vận hành

Bởi lẽ nhiều người sử dụng GIS có thể vẫn chưa biết các dịch vụ Web và đồng vận hành sẽ có ý nghĩa như thế nào trong công việc hàng ngày của họ, chính vì thế các chuẩn mở OGC đang được xây dựng với sự nhất trí toàn cầu , các chuẩn mở được coi là các chỉ dẫn để đảm bảo tính tương thích giữa các sản phẩm GIS và giữa tất cả các loại hệ thống xử lý dữ liệu địa lý – làm dễ dàng hơn trong vấn đề quản lý, khảo sát, định hướng và các dịch vụ xác định vị trí. Chỉ có các chuẩn mở được đồng lòng chấp thuận mức tòan cầu mới là chìa khóa cho sự thành công của Web đồng vận hành, trong số đó: các chuẩn của OGC là chìa khoá để hợp nhất môi trường Web dữ liệu không gian.

Ví dụ : đặc tả WMS là một bộ API cần thiết cho phép các lập trình viên đưa vào các giao tiếp đồng vận hành trong hệ thống xử lý dữ liệu địa lý của họ. Việc sử dụng HTTP – nghi thức truyền tải được sử dụng trên Web - đặc tả định nghĩa nghi thức yêu cầu (request) và hồi đáp (response) cho các tương tác giữa server và client bản đồ trên Web. Tất cả đều dựa trên chuẩn mở quốc tế

Sử dụng giao tiếp WMS cung cấp đa lợi ích, đó cũng là câu trả lời tại sao rất nhiều hiện thực được thực hiện WMS. Cụ thể, một giao tiếp WMS :

· Cho phép chồng ghép các bản đồ trực tiếp của các dữ liệu phân tán qua Web; bất chấp vị trí không gian, tỷ lệ, lưới chiếu, hê toạ độ hay các định dạng số .

· Kết xuất một hình ảnh raster của dữ liệu mà có các thông tin hữu ích trong khi vẫn kiểm soát việc truy cập đối với các dữ liệu nhạy cảm và chi tiết.

· Cho phép các tổ chức tạo mạng lưới dữ liệu WMS tạo khả năng cho người sử dụng kết hợp các dữ liệu GIS từ các nguồn khác nhau dựa trên các yêu cầu, tiêu chí công việc của họ.

· Cho phép các nhà cung cấp dịch vụ WMS cá thể làm nổi bật các dữ liệu cụ thể đối với ứng dụng của họ và không cần diễn dịch toàn bộ nội dung của các tập dữ liệu trong CSDL của họ.

· Có thể dễ dàng nhanh tróng hiện thực, không cần các truy cập tốc độ cao, và mang lại lợi ích to lớn với chi phí giảm đi đáng kể.

· Được chứng thực bởi ISO.

Hiện nay các WebGIS ở Việt Nam không được xây dựng theo hướng đồng vận hành, một hướng đi khá mới không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Chính vì thế đề tài sẽ cố gắng hiện thực công nghệ WebGIS đồng vận hành theo chuẩn mở OGC để hiện thực công cụ chia sẻ và công khai thông tin phục vụ giám sát tài nguyên môi trường đất bởi cộng đồng.

5 nhận xét:

  1. Hay lam anh Son a, tuy nhien chua duoc day du.

    Trả lờiXóa
  2. Đúng vậy, 1 vấn đề nói không bao giờ đầy đủ được ...

    Trả lờiXóa
  3. Chào bác Sơn. Bài viết rất hữu ích.

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết khá hay, e đang tìm hiểu về webgis đây, bác nào có tài liệu về webgis có thể gửi vào mail này cho em được không hahv1988@yahoo.com

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa