2007/12/02

Trung Dung và bảo vệ môi trường (P3)

NGUYÊN LÝ TRUNG DUNG:

Như đã nói, Trung Dung là kế thừa và phát triển của khái niệm Trung Hoà. Trung Hoà có nghĩa mọi hành động, suy nghĩ của con người có tính trung bình cộng giữa cái thiện và cái ác, giữa cái yếu ớt và mạnh mẽ, giữa cái rụt rè, nhút nhát và mạnh bạo,...Nếu hiểu trung hòa như vậy thì mọi người dễ hiểu lầm trong mọi trường hợp dừng nên thái quá một điều gì ? gặp kẻ xấu, tàn bạo thì không dám đấu tranh, gặp chuyện đau thương tang tóc thì không dám thể hiện ...Nếu mọi thứ đều lấy trung bình bình cộng ra hành xử thì quá thụ động, cho dù để đạt được Trung hòa cũng là một điều khó. Nói một cách toán học thì Trung hòa là sự cân bằng giữa các con số ngẫu nhiên và sự cần bằng đó thể hiện bằng một con số cụ thể, điều đó là tốt và không phải ai cũng tu dưỡng đạo đức để đạt được một giới hạn hài hòa cụ thể đó. Tuy nhiên, một con số cụ thể sẽ nói cho chúng ta thấy đó là những tiêu chuẩn cụ thể về đạo đức và hành xử nhưng nó không thể hiện được tính động, tính chuyển dịch, biến tướng của thế giới xung quanh ta. . Đó là một dạng của cân bằng tĩnh , mà điều đó thì không thể tạo ra động lực để phát triển của xã hội. Hay nói một cách khác về cá nhân thì tuyệt vời, nhưng những giá trị các nhân đó không được Khổng tử và các Nho gia đề cao vì nó không gắn chặt vào trật tự chung, nó không thể hiện được nghĩa vụ và bổn phận của người quân tử với toàn bộ xã hội chung quanh.Theo Khổng Tử, học lý thuyết chỉ khi nào chuyển hóa thành phương pháp, chuẩn mực và nguyên tắc hoạt động mới phát sinh hiệu quả xã hội. Thậm trí khái niệm Trung hòa nhiều khi được hiểu là “Dĩ hòa vi qúy”, là thoả hiệp với cái xấu,...Thế giới xung quanh chúng ta, hay môi trường xung quanh chúng ta luôn biến động đòi hỏi một ý niệm tiến bộ hơn thể hiện được tính vận động của nó, chính vì lẽ đó mà khái niệm Trung Dung đã ra đời.

Chúng ta cần phân biệt rõ Trung Hòa và Trung Dung, chúng có chỗ giống nhau và khác nhau. Trung Hòa chỉ việc tu dưỡng đạo đức đến một giới hạn hài hòa nào đó,. Còn Trung Dung là chỉ tiêu chuẩn đạo đức cao nhất trong việc tu thân đạt tới chỗ không thiên không lệch, không thái quá hay bất cập”[1]. Việc phân biệt hai khái niệm này quả thật là khó khăn, không phải lúc nào cũng nhận biết được. Một số tác giả cũng coi Trung Hòa và Trung Dung là một.

Ngay chương đầu sách Trung Dung, Chu Hy đã cho chúng ta một định nghĩa : “Bất thiên chi vị trung; bất dịch chi vị dung. Trung giả, thiên hạ chi chính đạo; dung giả, thiên hạ chỉ định lý” (Không lệch bên nào gọi là trung; không hay thay đổi gọi là dung. Trung là con đường chính đáng của mọi người;Dung là cái lý đã định cho mọi người).

Theo Dương Hồng, “Sáng tạo lớn nhất của Khổng Tử là sau chữ Trung lại thêm chữ Dung , từ đó nân quan niệm Trung Hòa lên tầm triết học. Chữ Dung có hai nghĩa:

Nghĩa thứ nhất là dụng, là dùng, tức là nắm chắc hai đầu mút, hai cực đoan của hai mặt đối lập, tìm cho ra biện pháp phù hợp để giải quyết mọi mâu thuẫn trong xã hội; làm gì ở đâu cũng luôn áp dụng điều trung.

Nghĩa thứ hai là bình thường, tức là coi vận dụng đạo trung trở thành việc làm hàng ngày của mọi người” (Cụ Phan Sào Nam cũng lý giải tương tự trong Khổng Học Đăng,NXB VHTT 1998)

“Tử Tư nhận thấy tất cả, từ cái vô tri vô giác cho đến con người ở đâu và khi nào cũng ở vào giữa những cái chung quanh nào đó, có cả phía trước và phía sau, phía tả và phía hữu, phía trên và phía dưới. Hình thế ấy luôn luôn chuyển động nhưng bao giờ cũng giữ mối tương quan không thay đổi với nhau. Cái thế đứng giữa ấy gọi là TRUNG ; cái thế tương quan không thay đổi trong cuộc vận động chung liên miên ấy gọi là DUNG”[2]

Thông qua các câu của Khổng Tử, cho ta thấy rằng các nguyên lý của ông đưa ra hết sức ngắn ngọn, nhưng hàm ý vô cùng sâu xa và chúng có mối liên hệ mật thiết với nhau . Khổng Tử đã từng nêu : “Nói không được quá lời, làm không vượt quá nguyên tắc. Không chiếm hết công lao, không đùn đẩy sai lầm. Không nên thiên, không nên lệch về bên nào. Không được thái quá hay bất cập”. Có thể nói rằng Trung Dung đã trở thành cái nền tảng triết học của Nho gia trong suốt thời kỳ phong kiến. Thế nhưng, càng ngẫm nghĩ chúng ta càng thấy mới và con người chúng ta ngày nay với sự tiến bộ khoa học kỹ thuật và thời đại thông tin cũng khó mà đạt được Trung Dung. Những quan niệm về Thiên mệnh, Nhân tính, Chính danh,…cũng được Khổng Tử và các học trò diễn giải trên nền tảng các nguyên lý của Trung Dung. Ngược lại các biện pháp để giúp con người hướng đến Trung Dung cũng bắt đầu hành từ chữ Nhân, Chính Danh, Tam cương, Bát Mục,…

Trung Dung đã cống hiến cho chúng ta các nguyên tắc cơ bản và các phương pháp cơ bản để đối xử với thiên nhiên, xã hội, để xử lý mối quan hệ giữa con người với con người. Những chuẩn mực và nguyên tắc nói trên càng chứng tỏ Trung Dung không phải là trung gian, không phải là điều hòa, là “dĩ hòa vi qúy”, mà muốn nói cho chúng ta biết rằng đừng nên suy nghĩ cực đoan, hành động cực đoan, đi từ cực đoan này đến cực đoan khác. Có như vậy mới tránh được các thảm họa đối với chúng ta, đối với từng con người. Trung Dung cũng không phải là thỏa hiệp với cái xấu, cái cực đoan, là không dám đấu tranh,…Cái chính là phải tìm cho ra mâu thuẫn, tìm thấy cái tâm, cái trung của mọi sự việc và dụng những lý thuyết đã được học để giải quyết mâu thuẫn, làm cân bằng giữa hai mặt cực đoan, đối lập. Phải chăng tính biện chứng đã được ám chỉ trong đó.

Ngày nay, chúng ta cũng đang sống trong một thế giới đầy xung đột giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Lũ lụt thiên tai, chiến tranh, nghèo đói vẫn tồn tại và ngày càng sâu sắc, phải chăng chúng ta đã có những suy nghĩ thái quá và các hành động thái quá, hoặc quá bất cập…Trong lịch sử chúng ta cũng đã chứng kiến những hệ quả của cực đoan, duy ý chí, máy móc, tôn sùng quá mức những hành động hay tư tưởng. Phải chăng lịch sử đã không áp dụng các nguyên lý Trung Dung trong tư duy, trong hành động một cách đúng đắn?

Một điều khá lý thú, ý niệm Trung Dung cũng được nhiều nhà triết học phương Tây và Ấn Độ đề xuất, như Aristote quan niệm rằng : Mỗi một đặc tính có thể xếp thành 3 loại: loại đầu và loại chót là những đặc tính quá khích, chỉ loại giữa mới là đạo đức.

Đạo đức kinh của Lão Tử cũng nói về Đạo với nội dung gần như phép xử thế của Trung Dung : “Cao giả ức chi, hạ giả cử chi, hữu giả tổn chi, bất túc giả bộ tri”(Cao thì ức chế, thấp thì nâng lên, nhiều thì bớt đi, thiếu thì bù vào”[3]

Con đường Trung Đạo mà Phật Thích Ca đề xuất cũng có nét tương đồng với Trung Dung. Chỉ có cách bỏ con đường hành xác, cực đoan tu hành khổ hạnh ép xác; bồi bổ sức khỏe lấy lại cân bằng trong tâm hồn và thể xác Ngài đã lấy lại trí minh mẫn sáng suốt của mình, ngồi thiền dưới Bồ đề suy ngẫm và phát hiện ra con đường “Bát Chính” cứu độ chúng sinh đó cũng chính là con đường Trung Đạo, Trung Dung của Ngài.

Cái vấn đề cốt lõi là làm thế nào để đạt được Trung Dung? Khổng Tử và các đệ tử của mình đã đưa ra nhiều luận chứng để đạt được sự cân bằng giữa hai bên, làm thế nào để duy trì cân bằng. Về chính trị, ông chủ trương nhân chính đức trị, muốn cho các giai cấp trong xã hội đều có chỗ đứng với chính danh của mình, ai theo phận nấy, xã hội sẽ tự điều hòa mối quan hệ giữa các giai cấp…cho dù còn mang dáng dấp phân biệt giai cấp nhưng rõ ràng kẻ nghèo hèn trí tuệ không thể lãnh đạo đất nước, kẻ vô học không thể chỉ kẻ có học, giỏi nghề này không thể cho đi làm nghề khác,…Chính vì không chính danh mà thời của Khổng Tử sinh ra loạn lạc. Muốn các giai cấp sống hòa thuận với nhau ông đề xuất đức trị, dựa vào đạo đức mà trị quốc,…để đạt điều đó mỗi con người phải nổ lực rất nhiều trong học tập và hành đạo. Con đường của từng người để trỡ thành quân tử chính là con đường Bát Mục mà ông đã chỉ ra :Cách vật, Trí tri, Thành ý, Chính tâm, tề gia, Trị quốc, Bình trị thiên hạ,…

Về đạo đức, luân lý Khổng Tử coi trung dung cơ sở của đạo đức, ông quan niệm rằng :

“Về thái độ đối với con người : cầu cạnh nịnh bợ là thái quá, coi thường là bật cập, cùng yêu thương đồng loại là trung dung.

Về xã giao : ngạo mạn là thái quá, tự ty sợ sệt là bất cập, thành thực là hợp với trung dung.

Về xử sự : thô bạo là thái quá, nhu nhược là bất cập, dũng cảm là hợp với trung dung.

Về sử dụng đồng tiền : xa hoa lãng phí là thái quá, hà tiện là bất cập, khảng khái là trung dung.”[4]

Còn nhiều vấn đề cụ thể khác mà Khổng Tử và các đệ tử của ông biện luận qua Tứ Thư, nhưng tất cả đều lấy Trung Dung làm nền tảng. Có thể nói Trung Dung là cái rất trừu tượng thể hiện tư tưởng của Nho gia Khổng học, nhưng cũng có thể hiểu từ những vấn đề rất nhỏ bé cụ thể trong xã hội. Hay nói như Tử Tư : “Nó (Trung Dung)mênh mông như biển cả, nó sinh hóa và dưỡng dục tất cả vạn vật trong vũ trụ. Nó bất tử trên mặt đất và vượt cao lên đến trời. Đạo ấy rộng lớn, đầy đủ thay! Nó bao gồm cả ba trăm điều nghi lễ và ba ngàn vẻ uy nghi…”[5]


[1] Dương Hồng-Vương Thành Trung-Nhiệm Đại viện-Lưu Phong , Tứ Thư - NXB QĐND 2003

[2] Vũ Khiêu và Quang Đạm : Đại học-Trung Dung-Nho giáo, NXB KHXH 1991

[3] Thu Giang-Nguyễn Duy Cần,Lão Tử-Đạo Đức Kinh, NXB Văn Học 1992

[4] Dương Hồng-Vương Thành Trung-Nhiệm Đại viện-Lưu Phong , Tứ Thư - NXB QĐND 2003

[5] Đoàn Trung Còn, Đại học-Trung Dung, SG1950

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét