2008/09/29

Phần mềm dùng chung - Một vài suy nghĩ


Có nhiều yếu tố liên quan đến ngành CNPM Việt Nam. Xin gửi 1 bài viết của một người bạn của tôi (Hùng Dũng) và theo tôi nó cũng liên quan đến 1 phần của ngành CNPM ở VN:

Phần mềm dùng chung – Một số vấn đề cần suy nghĩ.


Thuật ngữ phần mềm dùng chung có lẽ được xuất hiện ở Việt Nam khi đề án 112 đi vào hoạt động. Thuật ngữ này cũng được nhắc lại trong Nghị định 64/2007/NĐ-CP do Chính phủ ban hành với một tên gọi khác một chút như sau:

Giải pháp, sản phẩm (phần cứng, phần mềm, thông tin số) dùng chung: là giải pháp, sản phẩm được tạo ra để có thể ứng dụng trong nhiều cơ quan nhà nước khác nhau. Giải pháp, sản phẩm chỉ được coi là dùng chung khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Theo Nghị định này chúng ta có thể hiểu được rằng Sản phẩm (phần mềm) dùng chung trong CNTT có thể được ứng dụng trong các cơ quan Nhà nước chứ không phải bắt buộc. Cũng trong Nghị định này, việc khuyến khích sử dụng sản phẩm dùng chung luôn được khuyến khích cao nhưng không có tính bắt buộc phải sử dụng. Chính vì thế Nghị định 64/2007/CP có tính linh động cao khi ứng dụng CNTT vào quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên trong thực tế, một số đơn vị Trung ương và địa phương có cái hiểu, theo tôi, là chưa đúng trong vấn đề này. Bài viết này không đề cập đến vấn đề đúng sai của việc ra các quyết định hành chính mà chỉ bàn đến một mặt khác của phần mềm dùng chung đối với sự phát triển của kinh tế, xã hội của đất nước nhất là đối với quan điểm cứng nhắc, bắt buộc phải sử dụng phần mềm dùng chung. Những ví dụ trong bài viết không nhằm dả kích bất cứ phần mềm nào mà chỉ đưa ra các vấn đề để chúng ta cần suy ngẫm.

Một trong những mục tiêu của phần mềm dùng chung là tiết kiệm kinh phí đầu tư thông qua việc thống nhất sử dụng một phần mềm trên toàn quốc. Thoạt nhìn chúng ta có thể thấy đây là giải pháp mang lại hiệu quả cao về kinh tế nhưng hãy lật ngược lại vấn đề để xem ở một khía cạnh khác.

Thứ nhất, chúng ta phải xác định rõ thế nào là phần mềm và thế nào là hệ thống. Môt hệ thống lớn như hệ thống thông tin đất đai liên quan đến nhiều tổ chức (quy hoạch, nhà, thuế, môi trường,…) và có một đội ngũ tham gia vào hệ thống rất lớn từ cấp xã lên đến thành phố thì khó có thể nào được gọi là phần mềm được mà phải khẳng định đó là một hệ thống thông tin. Những hệ thống thông tin này vừa phải đáp ứng mục tiêu của ngành vừa phải phù hợp với hiện trạng quản lý CNTT của từng địa phương. Ngoài ra việc duy trì và vận hành một cơ sở dữ liệu như đất đai, hồ sơ địa chính thì quả thật không đơn giản như mua một điã CD game và tự cài tự chơi được. Như vậy, chúng ta nên giới hạn lại phần mềm dùng chung thực sự là các phần mềm có tính độc lập cao, ít phụ thuộc vào hiện trạng CNTT ở các địa phương như phần mềm chuyển đổi Format, phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm chấm công, phần mềm bình sai,…ngược lại chúng ta nên sử dụng khái niệm “giải pháp dùng chung” trên cơ sở một hệ thống đã thành công ở một điạ bàn nào đó. Chúng ta cần thiết phải làm rành mạch khái niệm “phần mềm” với “hệ thống” thì sẽ đưa ra các quyết định đúng đắn và không lãng phí.

Thứ hai, nếu là một hệ thống thực sự thì rất khó có thể giao cho một đơn vị (đơn vị xây dựng ra hệ thống) triển khai toàn quốc. Thực sự không thể hiểu nổi có đơn vị nào đủ nguồn nhân lực triển khai toàn quốc với hàng chục ngành xã/phường, hơn 700 quận/huyện và 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc, nhất là một phần mềm dùng chung như hệ thống thông tin đất đai. Các yếu tố khách quan luôn tác động lên các chính sách quản lý nhà nước, một sự thay đổi nhỏ về chính sách cũng phải thay đổi hệ thống,… vậy ai sẽ là người cập nhật và bảo trì hệ thống này? Trong khi quản lý nhà nước phải mang tính liên tục, không đứt quãng. Không vận hành được, có nghĩa toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ và kết quả sẽ lãng phí (điều này tương tự như đề án 112). Nhưng phân tích trên chưa đề cập đến những bất cập về chủ quan, như các lỗi phát sinh trong quá trình vận hành, sự đa dạng về hệ thống nền (như hệ điều hành, hệ quản trị CSDL, con người,…).

Thứ ba, chúng ta nghĩ rằng phần mềm dùng chung sẽ tiết kiệm kinh phí nhưng thực sự không phải như vậy vì các lý do sau: Thực tiễn chẳng có ai làm không công cả, cho dù đơn vị được giao làm phần mềm dùng chung nhưng họ cũng không thể làm miễn phí hoài. Điều này dẫn đến việc kiếm thêm kinh phí không minh bạch và chất lượng phần mềm dùng chung miễn phí sẽ giảm xuống. Trong thực tế có nhiều phần mềm dùng chung có 2 phiên bản, phiên bản miễn phì thì không ra gì, hạn chế trong sử dụng; phiên bản cập nhật tốt hơn sẽ được giao nếu địa phương chi thêm tiền. Không minh bạch trong quá trình triển khai sẽ gây ra nhiều vấn đề khác. Mặt khác, việc sử dụng phần mềm dùng chung sẽ vô tình tạo ra độc quyền trong nền kinh tế. Thiếu sự cạnh tranh sẽ thiếu sự phát triển và kết quả là chúng ta phải dùng chung với những sản phẩm chất lượng kém.

Thư tư, nhiều đơn vị triển khai phần mềm dùng chung theo đơn đặt hàng nhà nước chưa minh chứng được khả năng đeo đuổi đến cùng với sự nghiệp của các cơ quan nhà nước. Cam kết phát triển ứng dụng, phần mềm giữa doanh nghiệp và nhà nước còn lỏng lẻo và không bền vững. Chúng ta không lấy gì bảo đảm anh A (hoặc công ty A), người chủ trì xây dựng một phần mềm dùng chung sẽ bám suốt đời vì phần mềm đó. Trong khi năng lực quản lý công nghệ phần mềm ở nhiều công ty CNTT ở Việt Nam còn yếu thì đây là một hiểm họa mà các cơ quan chức năng cần có nhìn nhận rõ hơn khi triển khai xây dựng các phần mềm dùng chung.

Thư 5, chúng ta hãy hình dung xem nền kinh tế thi thức của chúng ta ra sao một khi bộ máy chính trị của đất nước chúng ta quản lý Nhà nước trên toàn bộ các lĩnh vực và mỗi một lĩnh vực đều có phần mềm dùng chung…Một điều chắc chắc rằng nếu thực sự như vậy, đất nước chúng ta sẽ mất đi một động lực phát triển, nhất là trong nền kinh tế tri thức ngày nay. Một hệ thống thông tin như hệ thống thông tin đất đai là mối quan tâm nghiên cứu không chỉ một người, một tổ chức mà còn là mối quan tâm của nhiều người và nhiều tổ chức khác, trong đó có các sinh viên, các nhà nghiên cứu, các viện, trường đại học, các công ty,…Họ đổ nhiều công sức để xây dựng hệ thống nhưng không được phép sử dụng vì tất cả đã có phần mềm dùng chung. Vậy chúng ta cần gì phải nghiên cứu, phải tìm tòi,…vì chúng ta đã có phần mềm dùng chung cho dù phần mềm đó tốt hay là dở cũng như nhau. Có thể phần mềm dùng chung mà cơ quan có thẩm quyền quyết định triển khai là tốt nhất trong thời điểm nào đó. Nhưng không vì thế mà vô tình cản trở nhưng hướng tiếp cận, nghiên cứu khác có cùng một chủ đề. Tri thức của mỗi con người, nỗ lực của mỗi tổ chức (trong và ngoài Nhà nước) cần phải đáng được trân trọng và Nhà nước cần phải tạo môi trường để phát huy, phát triển các nguồn lực đó có vậy chúng ta mới có thể thu hút nhân tài theo đúng tinh thần của Đang và Nhà nước đề ra. Trong tất cả các mất mát, lãng phí thì đây là một sự lãng phí không thể nào chấp nhận được vì nó cản trở bước tiến của kinh tế, xã hội.

Bài viết này xin dừng tại đây, những giải pháp sẽ trình bày trong bài viết khác. Bài viết này chỉ hy vọng sẽ giúp chúng ta nhìn nhận “phần mềm dùng chung” ở nhiều khía cạnh hơn và các nhà quản lý sẽ thận trọng hơn khi đưa ra các quyết định hành chính liên quan đến việc ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước.

Rất mong bạn đọc cùng thảo luận.

Hùng Dũng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét