2007/12/02

Trung Dung và bảo vệ môi trường (P4 - Phần cuối)

TRUNG DUNG VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN.

Nói đến Trung Dung là nói đến phép suy nghĩ và ứng xử không thiên lệch bên nào, không thái quá, không bất cập. Nói đến Trung Dung thì phải nghĩ đến cái tâm, cái trung chính của đối tượng nghiên cứu, đối tượng ứng xử, phải nghĩ đến một sự sắp sếp tốt nhất trong một điều kiện, một không gian, một thời gian nhất định. Nhưng tất cả chỉ mới nặng phần Trung, cần phải biết vận dụng vào thực tế đó mới là Dung. Bàn luận về Trung Dung, các tác giả Nho gia thường dẫn các câu, các sự kiện kiện xưa về quan hệ giữa người với người, về các tương tác trong môi trường nhân văn. Rất ít bàn luận về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Nhưng thực ra cái không gian và thời gian cần xét đoán sự vật mà Trung Dung đề cập đến không loại bỏ yếu tố tự nhiên. Vào thời các Nho gia, tài nguyên thiên nhiên luôn sẵn có, tác động của các hoạt động con người đến thiên nhiên chưa nhiều, chưa gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng. Dân số ít, đất đai trù phú, rừng biển bao la bạt ngàn không phải là đối tượng nghiên cứu chủ yếu của các nhà hiền triết xa xưa.

Sống trong thời đại ngày nay, chúng ta đã và đang chứng kiến những thảm họa về môi trường : như đất chết, sa mạc hóa, lũ lụt, bão tố, mưa axit, thủng tầng ozon, khí hậu trái đất nóng lên,…Khoa học ngày nay đã chứng minh, nhân loại đang phải ngánh chịu những hậu quả quả đó là từ việc khai thác tàn bạo tài nguyên thiên nhiên. Phải chăng trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển đến chóng mặt chúng ta đã quên đi cách hành xử mà tư tưởng Trung Dung đã đề xuất.

Chúng ta thường hô hào “ phải lấy con người làm trọng tâm”, nhưng chúng ta quên rằng các vật vô tri vô giác cũng có trọng tâm của chúng, có bên tả, có bên hữu, có trên có dưới,…(Tử Tư). Chính vì lẽ đó con người đã có những hành động thái quá, hoặc bất cập đến thiên nhiên, làm mất đi thế cân bằng, thế trung chính của nó…gây ra lệch lạc trung tâm, mất trung hòa tạo ra xáo trộn, loạn lạc và kết quả bị ảnh hưởng bởi các loạn lạc đó chính là con người chúng ta, bởi vì chúng ta không thể tồn tại ở nơi nào khác ngoài trái đất (cho đến bây giờ).

Từ thời đại cơ học (thế kỷ thứ XVII-XVIII) cho đến nay, con người đã tạo ra những bước tiến mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật, với các thành quả đạt được con người đã tác động đến thiên nhiên một cách khủng khiếp : những cánh rừng bị tàn phá tạo ra những mảng đồi trọc, đất chết, laterite hóa, lũ lụt, trượt đất,…Đa dạng sinh học bị xâm phạm một cách tàn bạo, các giống các loài bị biến mất từ trên biển cho đến những vùng biển bao la. Các tài nguyên hóa thạch bị khai thác cạn kiệt như than đá, dầu mỏ,… Đô thị hóa, công nghiệp hóa khắp nơi chèn ép thiên thiên, khí thải vào bầu khí quyển không ngừng gia tăng,…Nguồn nước ngầm, nước mặt bị khai thác vô tội vạ và bị ô nhiễm bởi lối sống ngạo mạn của con người. Rõ ràng, con người chúng ta trong thời đại hiện nay vẫn đang có những suy nghĩ và hành động bất trung đối với thiên nhiên như :

- Tham lam : đòi vơ vét tất cả những gì mà thiên nhiên đang có.

- Ngạo mạn : đòi chinh phục thiên nhiên bằng mọi giá, đắp đập, lấp biến,…đòi chui tận lòng đất để lấy nhiệt,…

Tất cả những điền trên đều là thái quá và bất cập, đi ngược lại tư tưởng Trung Dung. Có thể nói, nếu thời đại của Khổng Tử là thời đại Xuân Thu Chiến Quốc , thời kỳ loạn lạc, vô đạo đức giữa con người với con người. Thì thời đại chúng ta đang sống cũng là một thời đại vô đạo đức giữa con người với thiên nhiên, có phải thế mà hiện nay đã xuất hiện các thuật ngữ như “Đạo đức sinh thái” trong ngành Môi trường học. Khổng Tử và các học trò của mình đã tạo nên Trung Dung làm nền tảng đạo đức cho gần 2000 năm phong kiến, thì bây giờ chúng ta cần phải tiếp thu trí tuệ của người xưa và tiếp tục phát triển cho đúng với không gian và thời gian cụ thể của thời đại chúng ta.

Nhân loại đã nhìn nhận ra điều đó, cho dù không biết các học giả ngày nay có áp dụng Trung Dung hay không? . Nhưng rõ ràng các định nghĩa và phương pháp luận trong việc giải quyết vấn đề đã thể hiện được phần nào tư tưởng Trung Dung của người xưa. Chúng ta đã có những công trình khoa học khẳng định mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn, mối quan hệ giữa các môi trường thành phần trong thiên nhiên và trong môi trường thành phần đó lại có những môi trường nhỏ bé hơn,(Lê Huy Bá, Môi Trường)…cứ như vậy nếu thu nhỏ nhỏ lại chúng ta cũng thấy Trung Dung, nếu mở rộng ra thì nó lan ra khắp vũ trụ,…Hay, các nhà phương Tây cũng đang mở ra một hướng tiếp cận mới về phương pháp luận để xây dựng chính sách có tính tích hợp nhằm giảm thiểu các suy nghĩ cực đoan trong quá trình đưa ra các chính sách đơn lẻ độc lập theo lĩnh vực của riêng mình. Thế giới càng phát triển, các mối quan hệ giữa con người với con người ngày càng nhiều, càng phức tạp,…nhưng giá trị của tư tưởng Trung Dung trong vấn đề làm cơ sở để giải quyết các mâu thuẫn của hai mặt đối lập vẫn còn giá trị và chúng ta cần phải phát huy và áp dụng cùng với sự tiến bộ của khoa học.

Trung Dung cần phải được vận dụng trong từng suy nghĩ, tư duy trước khi hành xử với thiên nhiên. Đắp một con đập, đào một con kênh, xây một nhà máy, mở một con đường,…tức chúng ta đã làm lệch thế cân bằng của tự nhiên. Trong thực tế thế cân bằng luôn thay đổi và được tự nhiên tự điều chỉnh để đạt đến điều không thiên không lệch. Nhưng khi con người tác động vào thiên nhiên với quy mô lớn (có tính tích lũy), chúng ta cần phải biết xác định cái tâm của của sự vật là ở đâu, có lệch tâm không? nếu tìm được tâm, môi trường và thiên nhiên sẽ cân bằng. Hành xử đó có thái quá không? : có ảnh hưởng đến các đối tượng xung quanh nó theo không gian và thời gian ?. Không gian bao nhiêu và thời gian đến đâu?...Trả lời các câu hỏi đó, tức ta đã áp dụng Trung Dung vào xử thế với thiên nhiên.

KẾT LUẬN:


Trung Dung chỉ có hai từ nhưng cũng không thể nói hết trong bài viết này, bởi hai lẽ : tư tưởng triết lý qua nhiều và sâu xa , lẽ thứ hai trình độ hiểu biết còn hạn chế chưa thể hiểu hết được. Với trình độ hiểu biết nhỏ bé của mình và cả tình cảm chân trọng của riêng (cảm tính) đối với các bậc Thánh Hiền như Khổng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử,…, có thể nói rằng không phải ngẫu nhiên mà tư tưởng Trung Dung được các bậc thánh nhân, những nhà hiền triết cố đại ở Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp cùng đề xướng. Trung Dung đem lại cho chúng ta nền tảng để giải quyết các vấn đề mâu thuẫn không chỉ trong xã hội con người mà còn trong môi trường sống của chúng ta, bao gồm cả con người và thiên nhiên, nhằm cuộc sống của con người với nhau, quan hệ tương tác giữa con người với thiên nhiên và ngược lại trở nên hòa hợp, hài hòa, duy trì cân bằng và tránh xung đột…

Để kết thúc bài viết, xin trích dẫn tuyên bố của các nhà khoa học được giải thưởng Nobel tại Paris : “Nhân loại nếu muốn sinh tồn trong thế kỷ XXI, phải hướng về học thuyết chung sống hài hòa của Khổng Tử - người của hơn 2000 năm trước”[1]


III. TÀI LIỆU THAM KHẢO :

1. Đoàn Trung Còn, Đại học - Trung Dung, SG1950

2. Sào Nam Phan Bội Châu - Kinh Dịch, NXB VHTT 1998

3. Sào Nam Phan Bội Châu - Khổng Học Đăng, NXB VHTT 1998

4. Dương Hồng-Vương Thành Trung-Nhiệm Đại viện-Lưu Phong , Tứ Thư - NXB QĐND 2003.

5. Hoàng Tuấn – Kinh Dịch và hệ nhị phân, NXB VHTT 2002

6. và một số tài liệu khác.


[1] Dương Hồng-Vương Thành Trung-Nhiệm Đại viện-Lưu Phong , Tứ Thư - NXB QĐND 2003

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét