Những khái niệm mới như “Tài nguyên môi trường” trong thực tế không phải ai cũng hiểu và ngày nay thuật ngữ “Quy hoạch môi trường” cũng chưa được tiếng nói chung. Chính vì thế, vấn đề quy hoạch môi trường đang được các cấp chính quyền thờ ơ, lạnh nhạt mà một trong những nguyên nhân là chưa hiểu được mục tiêu và nội dung của quy hoạch môi trường là gì.
1 Một số định nghĩa:
- Theo FAO (http://www.fao.org/documents/show_cdr.asp?url_file=/docrep/V8350E /v8350e0f.htm ): Quy hoạch môi trường là “tất cả các hoạt động quy hoạch với mục tiêu bảo vệ và củng cố các giá trị môi trường hoặc tài nguyên”.- “Экологическое планирование, то есть разработка стратегии и детальных программ по охране окружающей среды и рациональному использованию природных ресурсов.” Quy hoạch môi trường, có nghĩa là xây dựng chiến lược và các chương trình chi tiết về bảo vệ môi trường xung quanh và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
- Nguyễn Thế Thôn, PGS.TS, Đại học khoa học tự nhiên-ĐHQG Hà Nội: “Quy hoạch môi trường là xác định chức năng môi trường cho các phạm vi lãnh thổ khác nhau, hài hòa với sự phát triển kinh tế, nhằm làm cho môi trường không bị suy thoái, ô nhiễm và ngày càng cải thiện hơn theo đời sống kinh tế - xã hội.
- Theo Jahan Hansson, “Design of organizational procedures for working environmental planning” , Lulea University of Technology-Germany: “Environmental planning aims to incorporate fully environmental concerns into planning, to weigh them with respect to their importance and to include methodological considerations concerning existing and new instruments and procedures”.
Ngoài ra, có những khái niệm khác tương tự Quy hoạch môi trường như : ecological environmental planning hay ecological design, design of nature (Ian McHarg-1969)…
“The ecological environment planning is to find the interrelationship between the man and the environment based on the socio-cultural, biophysical and historical information of target place, and apply the findings to the improvement plan. It is to consider the human beings as one of organism groups, and to make the environment dynamic, diverse and changing naturally by ecological order for human beings isolated from the nature, on the basis of biology and soil science.”
Trong tài liệu : “ ENVIRONMENTAL PLANNING IN THE UNITED KINGDOM” của tác giả Andrew Farmer, Ian Skinner and David Wilkinson, Institute for European Environmental Policy, London, and Kevin Bishop, Department of City and Regional Planning, University of Wales, Cardiff.(1999), nói rằng : “ Quy hoạch môi trường tự thân nó là một thuật ngũ khó định nghĩa….Quy hoạch môi trường có thể là :
- - Những quy hoạch, những chính sách hoặc các chương trình với mục tiêu môi trường cụ thể. Chúng cũng có thể không phải là 1 thành phần không gian trong quy hoạch (ví dụ : lượng chất thải carbon dioxide của quốc gia)..
- - Những quy hoạch không gian không lấy “môi trường “ làm trọng tâm, như những hậu quả của quy hoạch có ý nghĩa rất lớn về mặt môi trường.
Chúng ta thấy rõ rằng khái niệm “quy hoạch môi trường” dường như chưa được thống nhất rõ ràng. Thế nhưng, qua một số định nghĩa ta nhận thấy quy hoạch môi trường trước hết đó là hành động nhằm bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên để hướng đến phát triển bền vững, trong đó hiển nhiên bao gồm phát triển kinh tế-xã hội của một lãnh thổ. Tuy nhiên, có một số lẫn lộn ở đây thông qua các định nghĩa trên. Có hai hướng suy nghĩ chính như sau :
- - Phải chăng quy hoạch môi trường cũng chính là quy hoạch sử dụng đất của một lãnh thổ, quy hoạch tài nguyên nước của một vùng, quy hoạch giao thông,… thậm trí quy hoạch bãi đậu xe có sự cân nhắc đến các yếu tố bảo vệ môi trường.
- - Hoặc ngược lại, quy hoạch môi trường cần phải đi trước các quy hoạch khác từ đó làm cơ sở để quy hoạch các lĩnh vực thành phần : đất đai, nước, giao thông,…
Mỗi một cách nghĩ đều có 2 mặt của chúng :
Theo cách nghĩ thứ nhất, rõ ràng vấn đề phát triển kinh tế được tập trung ưu tiên, vai trò bảo vệ môi trường là thứ yếu hoặc nếu được quan tâm thì cũng không thể có cái nhìn tổng thể về các vấn đề môi trường. Bởi lẽ cái nhìn về những khía cạnh môi trường, áp lực, tác động và các hành xử đáp ứng thông qua quy hoạch chỉ có tính cục bộ. Còn nếu các nhà quy hoạch (planner) tiến xa hơn nữa là có cái nhìn tổng thể hơn, đặt vị trí lãnh thổ nghiên cứu của mình trong một không gian có cập bậc thì bài toán vô hình chung đi theo hướng thứ 2. Sẽ xuất hiện một sự luẩn quẩn ở đây trong cách tiếp cận vấn đề. Một vấn đề nữa nếu quy hoạch chuyên ngành có tính đến yêu tố môi trường thường mang tính cục bộ, do đó rất dễ nảy sinh hiệu ứng “tích lũy” gây ra các thảm họa về môi trường. Một dự án với lượng chất thải gây ô nhiễm được dự tính (quy hoạch) là nhỏ, nhưng nhiều dự án sẽ tạo ra những cộng hưởng vô cùng nguy hiểm. Những dự án công nghiệp dọc theo sông Đồng Nai, sông Thị Vải, sông Nhuệ, sống Đáy là một ví dụ điển hình.
Theo cách nghĩ thứ 2, vấn đề quy hoạch môi trường tưởng chừng có vẻ sáng sủa nhưng thực tế có nhiều vấn đề chúng ta cần phải suy nghĩ. Không gian quy hoạch chúng ta bao nhiêu là đủ. Rõ ràng, khi quy hoạch môi trường cho Cần Giờ, thì chức năng hệ thống kênh rạch là cung cấp sự sống cho cả khu rừng ngập mặn, chất lượng nước phải tuân theo các chỉ số môi trường nước mặn, …nhưng để đảm bảo được điều đó không gian quy hoạch của chúng ta phải vươn đến những lãnh thổ khác như : Biên Hòa, Nhơn Trạch, Thủ Đức, và thậm trí cả Sông Bé. Như vậy, do tính chất vận động của môi trường tự nhiên như không khí, nước…thì việc quy hoạch môi trường nhiều khi quá tầm quyết định của chúng ta, không thể thực hiện được.
2 Vai trò của quy hoạch môi trường :
Để quy hoạch môi trường đi vào thực tế, có nghĩa trở thành công cụ để quản lý tài nguyên môi trường. Trước hết chúng ta cần khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động này đối với các thành phần quản lý khác. Điểm xuất phát của chúng ta phải bắt đầu từ tư duy nhìn nhận thế giới xung quanh ta hiện nay ; nhận thức việc bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế xã hội và không thể tách rời. Còn nếu chỉ nhấn mạnh đế vấn đề phát triển kinh tế trước mắt thì việc áp dụng các chỉ số môi trường vào các dự án quy hoạch lúc này chỉ mang tính chất hình thức, nhất là trong môi trường làm việc hiện nay ở Việt Nam và các nước đang phát triển.
Với quan điểm phát triển bền vững, quy hoạch môi trường được thực hiện để:
- - Giúp các nhà quản lý có cái nhìn tổng thể về môi trường sinh thái (tự nhiên và nhân văn) trên lãnh thổ của mình dưới quan điểm của các nhà môi trường học, từ đó đưa ra các định hướng phát triển trên cơ sở tích hợp nhiều chính sách phát triển chuyên ngành khác. Trong trường hợp các quy hoạch chuyên ngành đã được xây dựng trước thì quy hoạch môi trường giúp cảnh báo, điều chỉnh và đưa ra phương án đề phòng.
- - Các quy hoạch chuyên ngành dùng sản phẩm quy hoạch môi trường để tìm kiếm phương án hài hòa về phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường.
- - Giúp các quy hoạch chuyên ngành khác tham khảo để loại trừ các rủi ro về sự cố môi trường và đề ra các giải pháp xử lý.
- - Quy hoạch môi trường có thể coi là một mô hình lý tưởng mà khi có những thành phần khác tham gia vào, chúng ta có thể biết được điều gì sẽ xảy ra.
- - Những giải pháp trong quy hoạch môi trường nhắm tới mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng và giữ được tốc độ phát triển kinh tế.
Quy hoạch môi trường hoàn toàn không xung đột với các quy hoạch khác về chức năng nhiệm vụ. Nó là sản phẩm khách quan về hoạch định các chính sách trên quan điểm của môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; và đưa ra các giải pháp giám sát môi trường để bảo vệ các giá trị môi trường có tính quan trọng và quyết định chức năng toàn bộ hệ sinh thái tự nhiên – nhân văn (tính trội của hệ thống) của lãnh thổ đang nghiên cứu và lân cận.
Chính vì vai trò quan trọng của nó đối với chức năng chung của một vùng, nên quy hoạch môi trường cần phải được làm trước hoặc làm càng sớm càng tốt, song song với các quy hoạch chuyên ngành khác. Sự tham gia của các nhà môi trường xuyên suốt các dự án quy hoạch chuyên ngành là rất cần thiết.
3 Những khó khăn khi thực hiện quy hoạch môi trường ở Việt Nam .
- - Không có sự nhận thức đầy đủ về vai trò quy hoạch môi trường trong các cấp lãnh đạo.
- - Nhiều người không chấp nhận vì quy hoạch môi trường có thể sẽ chỉ ra các sai lầm khủng khiếp về mặt bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên từ các dự án quy hoạch chuyên ngành đã và đang được xây dựng.
- - Quy hoạch môi trường được coi là cản trở đến công việc của nhiều người bởi lẽ họ không phải là những nhà môi trường học. Họ sợ rằng sự tham gia của họ là thứ yếu hoặc không tồn tại. Ở đây vấn đề cộng tác liên ngành cần được nhắc đến và là một yếu điểm của chúng ta.
- - Nhìn lợi ích trước mắt không có cái nhìn lâu dài, bền vững.
- - Hạn chế về nguồn lực .
4 Các bước cần thiết trong quy hoạch môi trường :
Tập hợp các người liên quan đến công việc:- - Xây dựng một đội ngũ quy hoạch : Những người quan lý trong các vấn đề môi trường (nước, đất, không khí, sinh thái,…), những nhân viên công chức có liên quan đến các vấn đề môi trường, các nhà khoa học-kỹ sư, các tổ chức về sức khỏe cộng đồng, đại diện cộng đồng và hoạt động kinh tế.
- - Các chuyên gia nghiên cứu về lãnh thổ: nghiên cứu dân gian, dân tộc học, địa danh học,…
- - Làm việc với những nhà chức trách có thẩm quyền .
- - Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, người dân trong vùng.
- - Có sự tham gia của cộng đồng, cho dù ý nguyện của cộng đồng về viễn cảnh của vùng mang đậm cảm tính, chủ quan.
- - Cần đât ra các câu hỏi để giúp mọi người hình dung ra viễn cảnh trong tương lai như thế nào, nhằm giảm thiểu các suy nghĩ chủ quan về nơi mình đang sinh sống. Các câu hỏi có thể là :
- Cái giá trị của cộng đồng chúng ta đối với môi trường, phát triển kinh tế và phong cách sinh hoạt là gì?
- Chúng ta mong muốn thay đổi và cần củng cố cái gì? Có thể là :
- Môi trường tự nhiên.
- Sử dụng đất.
- Cơ sở hạ tầng .
- Các vấn đề dân số.
- Kinh tế lớn mạnh.
- Sức khoẻ cộng đồng.
- Chất lượng cuộc sống .
- Chính quyền.
- Ngăn chặn chất thải.
- - Tạo dựng viễn cảnh trên cơ sở tổng hợp các ý nguyện của cộng đồng và hiện trạng thực tế thông qua thảo luận và cơ sở khoa học liên quan. Viễn cảnh của một vùng được quyết định bởi nhóm quy hoạch chứ không phải cộng đồng.
- - Ranh giới vùng quy hoạch môi trường của bạn đến đâu? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần quan tâm đến một số vần đề sau : Những vùng “có vấn đề” tác động đến môi trường sinh thái và sức khoẻ cộng đồng: khu công nghịêp, bãi rác,… Những vùng hoặc tài nguyên chúng ta cần bảo tồn. Những công trình và tài nguyên được sử dụng để bảo vệ sức khoẻ và chất lượng môi trường: hệ thống cấp nứơc, hệ thống xử lý chất thải rắn và nước thải.
- - Xác định ranh giới có thể theo các hướng tiếp cận sau : Những ưu điểm khi bắt đầu với quy mô không gian nhỏ, ở đó chúng ta có đầy đủ các nguồn lực và thẩm quyền để phát triển quy hoạch. Những ưu điểm khi quy hoạch với không gian lớn (vùng) bằng việc bổ sung ranh giới nghiên cứu của các vùng lận cận, nơi đó có những nguồn tài nguyên mà chúng ta bị lệ thuộc hoặc chúng ta cần bảo tồn. Nên nhớ, không gian của chúng ta cũng chỉ là 1 bộ phận nhỏ bé có tính tương tác, quan hệ với các không gian xung quanh. Những điều kiện tự nhiên và tính chất vật lý của lãnh thổ. Điều chỉnh thích hợp không gian trong suốt thời gian nghiên cứu.
- - Những điều luật môi trường nào ảnh hưởng đến cộng đồng của bạn?
- - Có những vấn đề môi trường nào đe dọa đến hệ sinh thái, sức khoẻ cộng đồng hay chất lượng cuộc sống trong cộng đồng.
- - Để xác định được nhu cầu, một bước đi quan trọng là đánh giá sự ảnh hưởng của các cơ sở hạ tầng môi trường đối với cộng đồng: hệ thống cấp nước, nhà máy xử lý chất thải, mạng lưới thu gom và xử lý chất thải rắn,…bao gồm cả kỹ thuật, kinh phí và cơ cấu tổ chức thực hiện.
- - Xem xét danh sách các nhu cầu có thích hợp với viễn cảnh mong muốn của cộng đồng hay không?
- - Các giải pháp đưa ra thực hiện bằng cách nào?
- - Những gì anh hưởng đến hiệu quả của chúng?
- - Chi phí đầu tư và vận hành ra sao?
- - Thực thi sẽ gặp các khó khăn và thuận lợi gì?
- - Một giải pháp sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề môi trường mà chúng ta phải đối mặt như thế nào?
- - Cân nhắc đánh giá tìm kiếm giải pháp tối ưu trong số các chọn lựa về mọi mặt.
- - Chỉ định các vấn đề môi trường quan trọng nhất cần giải quyết.
- - Sắp đạt độ ưu tiên cho các hành động và đưa ra giải pháp thực thi.
- - Gom tất cả các vấn đề nghiên cứu trong quy hoạch để đảm bảo chúng hoà hợp với nhau một cách khoa học và chặt chẽ.
- - Xây dựng một kế hoạch hành động.
- - Tìm kiếm nguồn tài chính.
- - Xác định vai trò của các tổ chức chính phủ và các tổ chức khác.
- - Xác định vai trò của các cá thể trong cộng đồng (già làng, chức sắc tôn giáo, dân tộc học, nghệ nhân,…).
- - Đánh giá và rà soát quy hoạch khi cần thiết.
5 Phương pháp luận và các kiến thức nền tảng.
Môi trường là một không gian rộng lớn, bao gồm nhiều thành phần môi trường có sự liện hệ, tương tác chặt chẽ với nhau. Chính vì thế, trong quy hoạch môi trường cần áp dụng nhiều lĩnh vực khoa học để thực hiện.
- 1. Môi trường học : môi trường đất, nước,không khí,…
- 2. Sinh thái, sinh thái cảnh quan.
- 3. Sinh thái nhân văn.
- 4. Độc chất học và sức khoẻ cộng đồng.
- 5. Năng lượng và tài nguyên.
- 6. Nguyên lý quy hoạch
- 7. …
Các phương pháp cơ bản cần áp dụng trong quy hoạch môi trường :
- 1. Lấy mẫu và thống kê, phân tích.
- 2. Phương pháp chuyên gia.
- 3. Tổng hợp, tích hợp các nguồn dữ liệu thứ cấp và khảo sát.
- 4. Phương pháp phân tích hệ thống.
- 5. Xây dựng mô hình,…
- 6. Các công cụ viễn thám và GIS.
- 7. …
6 Kết luận :
Cho dù quy hoạch môi trường là gì chăng nữa thì mục tiêu của nó thực sự cần thiết trong thời đại ngày nay: phát triển bền vững là đích đến của mọi hành động cho một quốc gia, một lãnh thổ. Chính vì thế cần có sự quan tâm đúng mức của các nhà khoa học và quản lý trong vấn đề này, không ngừng đầu tư hoàn thiện phương pháp luận, cơ sở khoa học và đưa quy hoạch môi trường vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
7 Tài liệu tham khảo :
1. Lê Huy Bá, “Đại cương quản trị môi trường”, NVB ĐHQG Tp.HCM , 2000.
2. “Environmental Planning For small communities”, United State Environmental Protection Agency, 1994.
3. Andrew Farmer, Ian Skinner and David Wilkinson, Institute for European Environmental Policy, London, and Kevin Bishop, Department of City and Regional Planning, University of Wales, Cardiff - “Environmental planning in UK”, (1999).
4. Gahng-Ju Lee, You-Seok Seo – A development of checklist for the environmental friendly planning,
5. The futrue of rural development policy – European Environmental Bureau, 2004
6. và các tài liệu khác.
Cảm ơn bạn!
Trả lờiXóa